Xóa mù Mobile Ads (phần 2)

Phần II. Các định dạng quảng cáo cơ bản

Tùy theo thể loại ứng dụng, bạn sẽ có các vị trí có thể đặt quảng cáo khác nhau, và mỗi vị trí sẽ phù hợp với một số định dạng nhất định. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều mạng quảng cáo, mỗi mạng sẽ cung cấp các định dạng khác nhau. Nhưng tổng hợp lại, có 4 định dạng chung như sau: banner, interstitial, native advanced và rewarded ads.

1. Banner Ads (quảng cáo biểu ngữ)

Banner là định dạng quảng cáo lâu đời nhất và cũng dễ sử dụng nhất. Đúng như tên gọi của nó, banner sẽ tạo ra 1 biểu ngữ nhỏ (có thể là hình ảnh tĩnh – động, có thể toàn chữ hay thậm chí có thể là video), có thể đặt vào bất kì vị trí nào trên màn hình. Kích cỡ của banner cũng khá đa dạng, từ biểu ngữ nhỏ nhắn xinh xắn, cho đến một tấm nền to 1/2 màn hình.

Thông dụng nhất vẫn là sử dụng banner với kích cỡ cao 50dp, rộng 320dp hoặc kín màn hình. Banner dạng này đặt ở top (đỉnh trên) hoặc bottom (dưới đáy) của màn hình. Đặc thù của định dạng này là sẽ luôn xuất hiện trên màn hình, cần một khoảng không riêng để chứa nó.

Ưu điểm của banner: dễ sử dụng-tích hợp, gọn nhẹ, phù hợp với nhiều giao diện khác nhau. Tuy nhiên đi kèm đó là các nhược điểm: xấu (tương đối!), khá ảnh hưởng trải nghiệm người dùng, eCpm không cao. Banner thường phù hợp với các dòng ứng dụng (app), game casual. Với các game giá trị người dùng cao, có tập trung vào IAP thì không nên dùng banner, do trải nghiệm người dùng kém.

Ngoài việc đặt cố định ở top hoặc bottom thì đôi khi banner cũng có thể dùng với kích cỡ to (320×250, etc..) giống một bảng quảng cáo to và đặt vào trong các giao diện cuộn, kéo. Tuy nhiên với sự ra đời của Native Ads thì cách dùng này không còn phổ biến nữa.

Một số chú ý khi dùng banner: chỉ nên dùng kích cỡ dạng chữ nhật dài, đặt cứng ở top hoặc bottom screen. Tuyệt đối tránh để banner đè lên các content (nội dung khác trong ứng dụng). Nên tạo sẵn 1 khoảng trống để hiển thị banner, và tách biệt khoảng trống này với các UI element: nút bấm, hình ảnh, kể cả thanh điều hướng 3 nút – cứng hoặc ảo – trên android.

2. Interstitial Ads (quảng cáo chuyển tiếp)

Interstitial ra đời sau banner và nhanh chóng khẳng định vị trí của mình. Interstitial là một quảng cáo full kín màn hình, được dùng khi người dùng chuyển hướng giữa các màn hình trong ứng dụng. Khi mới ra đời, Interstitial chỉ là một ảnh quảng cáo tĩnh. Hiện tại thì nó đã khá đa dạng: ảnh tĩnh, video, playable ads (quảng cáo có thể tương tác được).

Users tương tác để chuyển hướng -> hiện quảng cáo interstitial -> users tắt quảng cáo -> chuyển hướng sang màn hình mới

Ưu điểm của interstitial: eCpm tốt, phù hợp với nhiều dòng app lẫn game.
Nhược điểm: vẫn phần nào ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Các dòng game nặng về IAP sẽ khó phù hợp. Việc tích hợp interstitial cũng đòi hỏi cao hơn ở các xử lý:

  • preload (tải trước quảng cáo): để đảm bảo có quảng cáo hiển thị
  • lựa chọn vị trí (placement) và tần suất (frequency) hợp lý. Đặt quảng cáo interstitial ở đâu, khi nào là điều cần cân nhắc kỹ để đảm bảo có doanh thu tốt, nhưng không làm người dùng quá khó chịu. Bạn có thể A/B test để thử nghiệm

Một số chú ý khi dùng interstitial: ngoài việc đảm bảo preload hợp lý cũng như kiểm soát placement và frequency, bạn cần chú ý:

  • chỉ show interstitial dựa trên các action của users: click button, game over, etc… Một lỗi thường thấy là khi người dùng click button mới load quảng cáo, sau đó dùng hàm callback tải quảng cáo thành công để hiển thị.
  • dùng callback đóng quảng cáo để chuyển màn hình. Một lỗi thường thấy khác là khi user trigger quảng cáo bạn gọi đồng thời 2 hàm: hiện quảng cáo và chuyển màn hình. Đôi khi việc hiển thị quảng cáo có thể delay 1,2s làm cho user nhìn thấy màn hình mới trước khi màn hình quảng cáo hiện ra.
  • Nhìn chung cần đảm bảo màn hình trước và sau khi hiện quảng cáo là khác nhau, cũng như chỉ hiển thị quảng cáo dựa trên thao tác của người dùng

3. Rewarded Ads (quảng cáo trả thưởng)

Quảng cáo Rewarded về hình thức thì “tương tự” interstitial: là một đoạn video hoặc playable ads, dài trung bình khoảng 30s. Rewarded đặc biệt hơn ở chỗ nó chỉ được phép hiển thị khi người dùng đồng ý, và khi kết thúc quảng cáo bạn cần trao phần thưởng cho người dùng.

Quảng cáo Rewarded. Video đang chạy còn 8 giây, nếu người dùng định tắt quảng cáo sẽ nhận được thông báo mất phần thưởng khi tắt quảng cáo sớm

Rewarded đang là loại quảng cáo có eCpm cao nhất hiện nay. Nhưng cũng là định dạng quảng cáo rất “kén” ứng dụng. Ứng dụng (trò chơi) của bạn cần có một phần thưởng đủ tốt để kích thích người dùng xem quảng cáo, nhưng cũng không được quá giá trị khiến người dùng không còn nhu cầu mua items hoặc xem lại quảng cáo lần 2. Sử dụng Rewarded đòi hỏi công sức rất lớn ở việc design nội dung game và lựa chọn phần thưởng thích hợp.

Do đó bản chất Rewarded phù hợp sẵn với các dòng game IAP, chỉ cần tìm một cách quy đổi, lựa chọn item sao cho giá trị phần thưởng “tương đương” với giá của một impression. Ví dụ 1$ mua được 1000 coin, 1 impression có thể trị giá 0.005$ (với eCpm 5$), vậy 1 lần xem quảng cáo có thể được tặng 5 coin.

Chú ý rằng Rewarded tuyệt đối không được dùng cho các phần thưởng liên quan đến tiền thật (hoặc có giá trị tương đương tiền thật). Ngoài ra khi dùng Rewarded cũng cần xử lý việc preload để tránh việc users muốn có phần thưởng, đồng ý xem quảng cáo mà lại không có quảng cáo.

4. Native Ads (quảng cáo gốc)

Native Ads hiện vẫn còn là một định dạng có thể coi là “non trẻ”. Dù đã có được vài năm nhưng hiện số lượng mạng quảng cáo hỗ trợ vẫn không nhiều.

Native Ads là dạng quảng cáo khá đặc biệt ở độ “linh động” của nó. Mỗi quảng cáo dạng ảnh tĩnh (banner, interstitial) thông thường sẽ có các yếu tố như: icon (biểu tượng của quảng cáo: app icon hoặc website), title (tên ứng dụng hoặc website), description (đoạn mô tả), nút ‘action’ (thường là install app hoặc visit website). Banner với Interstitial sẽ tự kết hợp các yếu tố này với nhau và trả về nguyên vẹn quảng cáo. Native Ads sẽ trả về từng thành phần nhỏ này và để bạn tự design ra quảng cáo của mình!!! Kích thước từng phần, màu sắc là hoàn toàn tự quyết.

“Different size, different design”
Kích cỡ khác nhau, lựa chọn các phần hiển thị khác nhau. Và, trong trường hợp bạn có giao diện “dark mode” hay “color mode” gì đi nữa bạn cũng có thể đổi màu nền của quảng cáo sao cho sánh đôi cùng ứng dụng của bạn

Native khắc phục điểm yếu nhất của banner là “xấu” và ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Đồng thời nó cũng linh động hơn rất nhiều khi có thể đặt vào nhiều vị trí hơn hẳn so với banner. Do không bị giới hạn nhiều về kích thước, phù hợp với nhiều khoảng không lớn bé khác nhau, nên native có thể nhét vào rất nhiều chỗ mà banner không làm được. Tuyệt vời hơn nữa, Native hoàn toàn có thể tích hợp vào các game có “user giá trị cao”. Do trải nghiệm mà native mang lại là “ổn”, “quảng cáo chấp nhận được”.

Ngạc nhiên chưa!!! Quảng cáo này!

eCpm của Native tùy thuộc vào việc bạn dành kích cỡ bao nhiêu cho quảng cáo. Tất nhiên một quảng cáo bé nhỏ xinh xắn như 1 cái icon thì không thể trông đợi eCpm cao hơn banner rồi. Nhưng nhìn chung, cùng 1 kích thước thì Native sẽ có “lợi” hơn banner: eCpm tương đương hoặc hơn, nhưng trải nghiệm người dùng dẫn đến khả năng giữ chân tốt hơn hẳn. Còn nếu bạn có các khoảng không đủ lớn thì tốt quá rồi!

Native yêu cầu kỹ thuật tương đối để có thể tích hợp được. Việc xử lý từng phần cũng như preload sẽ đòi hỏi cẩn thận hơn. Ngoài ra, việc design layout, màu sắc cho ads cũng là điều cần để ý. Chú ý cuối là: tương tự như banner, eCpm của Native khó so sánh với interstitial và rewarded, nhưng ưu điểm của nó là hiển thị được nhiều nơi, nhiều chỗ, tần suất cao (hơn hẳn banner) mà không quá làm ảnh hưởng đến người dùng. Số lượng sẽ áp đảo chất lượng! (nhưng vừa thôi chứ đừng quá nhé 🙂 )

Nhược điểm cuối: chưa nhiều mạng quảng cáo hỗ trợ Native Ads 🙁

Tổng kết

Mong rằng qua bài này các bạn đã nắm được các định dạng quảng cáo, ưu nhược và cách dùng của từng loại. Ngắn gọn thì:

  • banner: dễ xài, eCpm không cao, có thể gây khó chịu cho người dùng. Phù hợp với các dòng game & app mà giá trị người dùng không cao (LTV thấp), số lượng user bù chất lượng
  • interstitial eCpm tốt, nhưng cần kiểm soát vị trí và tần suất để tránh gây khó chịu cho người dùng. Phù hợp với hầu hết các thể loại trừ các dòng game nặng IAP. Khi sử dụng cần chú ý việc preload cũng như cách hiển thị.
  • rewaded: eCpm cực tốt nhưng khá kén dòng. Rất phù hợp với các dòng game IAP. Chú ý việc preload để đảm bảo quảng cáo cho users. Rewarded khó nhất ở việc thiết kế ra item thưởng
  • native: cực kỳ linh động, phù hợp với hầu hết mọi loại game & app, tuy nhiên đòi hỏi cả kỹ thuật lẫn khả năng design. eCpm tùy thuộc vào vị trí và kích thước quảng cáo. Số lượng nhiều hơn chất lượng. Do không quá ảnh hưởng trải nghiệm người dùng nên có thể đặt tại nhiều vị trí với tần suất cao. (cao vừa đừng cao quá)

Comment câu hỏi/feedback của bạn về bài viết cũng như share nếu bạn thấy hữu ích nhé 🙂

Nguồn: https://dumbcoder.org/xoa-mu-mobile-ads-phan-2/